Trong quá trình làm việc của công nhân, có nhiều vấn đề nhỏ nhặt xảy ra tưởng như vô hại; nhưng nếu doanh nghiệp không để ý giải quyết triệt để sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Công nhân có thể mất hứng thú làm việc, mất tập trung,không chú tâm vào công việc; gây ảnh hưởng tới hiệu quả lao động, dây chuyền sản xuất và năng suất của cả một đội ngũ. Tích tiểu thành đại, về lâu dài, những sụt giảm này sẽ làm lung lay sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Là một nhà quản lý doanh nghiệp tinh ý, nếu phát hiện công nhân của mình đang gặp những trục trặc ảnh hưởng tới công việc; hãy cố gắng giải quyết nhanh trong thời gian sớm nhất. Đây là cách quan trọng để gây được lòng tin của công nhân đối với doanh nghiệp; qua đó, giúp họ tập trung làm việc hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu bạn không nắm bắt được những khúc mắc của nhân viên; bạn sẽ khó xây dựng được một lực lượng nhân sự mạnh mẽ, tiềm năng với chuyên môn cao. Mà điều này chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp của bạn.
Môi trường làm việc
Một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất làm việc của công nhân là lưu thông khí trong nhà máy, phân xưởng. Đây cũng có thể trở thành trăn trở của các công nhân.
Với lượng lao động hàng ngàn người, cùng với tiếng hoạt động và hơi nóng từ máy móc, sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng ngạt khí, thiếu khí nơi làm việc. Đã có trường hợp hàng loạt công nhân ngất xỉu khi làm việc do thiếu khí và ngộ độc khí. Điển hình vào tháng 07/2018, hàng loạt công nhân ngất xỉu và choáng váng trong nhà máy YAZIKI Quảng Ninh; do ngộ độc khí Formandehyt khi vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong môi trường lao động. Vào 19/05/2018, hàng nghìn người tại công ty giày Hongfu Thanh Hóa phải nhập viện; nguyên nhân do hít khí phải một số hóa chất độc hại phát tán từ keo dán giày, keo máy và dung môi tẩy rửa dùng trong sản xuất.
Đảm bảo lưu thông luồng không khí vô cùng quan trọng. Không khí quá nóng hay quá lạnh đều không đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra suôn sẻ. Các hóa chất dễ bay hơi từ các nguyên liệu hay hơi nóng tỏa ra từ các máy móc cũng có thể được cuốn đi bởi luồn không khí luôn được lưu thông.
Nếu không đảm bảo lượng không khí, có thể chưa ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe người lao động; nhưng về lâu dài sẽ khiến không khí làm việc ngột ngạt, công nhân mệt mỏi; không thoải mái, chán nơi làm việc dẫn tới hiệu quả sản xuất suy giảm.
Các doanh nghiệp nên hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này để lắp đặt hệ thống quạt thông gió, hệ thống làm mát không khí, giúp năng suất lao động của nhân viên tăng lên.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an toàn lao động cũng được công nhân quan tâm bậc nhất.Theo báo cáo từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH); trong năm 2017 cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ; (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Qua đánh giá, cho thấy có hơn 45% nguyên nhân xảy ra do người sử dụng lao động; không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn; không huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; và không có thiết bị đảm bảo an toàn.
Để giải quyết vấn đề này, các DN phải bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn cho người lao động; nếu cố tình móc nối với DN để hợp thức hóa sẽ rút giấy phép; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả người tham gia lao động đều phải được đào tạo về an toàn và vệ sinh lao động; và được cấp chứng chỉ theo quy định của Cục an toàn vệ sinh lao động- Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát các lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Các thiết bị bảo hộ lao động cần được chuẩn bị đầy đủ và lao động phải sử dụng theo đúng hướng dẫn và quy định.
Tiếp theo, bữa ăn của công nhân cũng là một vấn đề nhỏ nhưng rất được quan tâm.
Người công nhân cần được cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng với những bữa ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tránh các hiện trạng ngộ độc đã gặp rất nhiều tại các doanh nghiệp lớn nhỏ trong thời gian vừa qua. Bữa cơm cần cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng để công nhân lao động một ngày dài. Những bữa cơm thiếu chất, dư thừa độc hại sẽ bào mòn dần sức khỏe của công nhân. Một khi sức khỏe họ bị ảnh hưởng, chắc chắn năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ giảm sút.
Bên cạnh đó, phòng ăn là nơi công nhân ăn uống và nghỉ ngơi sau nhiều giờ lao động. Vì vậy phòng ăn cần được bố trí thoáng mát, sạch sẽ; để giúp lao động lấy lại sức khỏe và tinh thần tiếp tục những giờ làm việc sau đó.
Cơ sở vật chất cho công nhân
Tại những khu công nghiệp tập trung nhiều công nhân; việc tạo điều kiện chỗ ở ăn ở cho công nhân là điều nên làm. Đây cũng là một vấn đề được nhiều công nhân quan tâm; bởi nhiều công nhân không chỉ có một mình mà còn có cả gia đình và con nhỏ.
Với mức thu nhập thấp, công nhân phải thuê trọ trong những căn nhà chật chội; thiếu thốn đủ thứ, đời sống tinh thần nghèo nàn.
Do thiếu thốn nên thú vui của nhiều công nhân lao động sau giờ làm việc nặng nhọc vất vả; nếu không ngủ vùi thì nữ sẽ đi mua sắm quần áo vật dụng sinh hoạt rẻ tiền; nam công nhân sẽ tụ tập uống rượu, chơi bài đánh cờ. Văn hoá đọc hầu như vắng bóng. Bên cạnh đó công nhân con sử dụng các phương tiện giải trí như điện thoại để tám chuyện; nghe nhạc, nghe đài và chơi trò chơi điện tử.
Đời sống vật chất thiếu thốn, cường độ lao động căng thẳng, trình độ học vấn hạn chế cùng với sự thiếu vắng các thiết chế văn hoá - xã hội; khiến đời sống văn hoá tinh thần của CNLĐ tại các KCN; khu tập trung đông công nhân có thể nói còn rất nhiều “khoảng trắng”.
Chủ doanh nghiệp nên đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà ở cho người lao động, nhà trẻ; khu vui chơi dù đây là hạng mục khá tốn kém. An cư lạc nghiệp, chỉ khi họ thoải mái, yên tâm về nơi ăn chốn ở mới tận tâm nhiệt tình hết sức với công việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, thể thao; tặng sách cho công nhân để đời sống tinh thần của họ phong phú và tươi mới hơn.
Mâu thuẫn giữa các công nhân với nhau hoặc với người quản lý trực tiếp.
Trong quá trình làm việc trực tiếp không thể tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn giữa công nhân với nhau hoặc mâu thuẫn với người quản lý. Đặc biệt đối với những lao động phổ thông; khi mâu thuẫn xảy ra dễ bộc phát thành những hành động phản kháng tiêu cực. Những mâu thuẫn này không những làm mất đoàn kết nội bộ; mà còn làm ảnh hưởng tới tinh thần làm việc; gián đoạn công việc của cả một dây chuyền làm hiệu suất suy giảm.
Thêm vào đó, những lùm xùm sẽ khiến họ chú tâm vào chuyện ngoài lề hơn là công việc. Điều này làm thất thoát thời gian cho doanh nghiệp.
Trong tình huống này, người quản lý cấp cao hơn cần quan tâm giải quyết triệt để. Có thể cách quản lý của người quản lý trực tiếp chưa phù hợp khiến công nhân bức xúc nảy sinh ý nghĩ và hành động phản kháng. Khi này cần trao đổi trên tinh thần xây dựng về những mặt hạn chế trong phương pháp quản lý trực tiếp; để biết cách thay đổi để phù hợp với cả công nhân với người phụ trách.
Tuy nhiên cũng có nhiều kiểu công nhân vô kỷ luật, hay gây gổ với đồng nghiệp, cố tình phá đám để gây cản trở công việc sản xuất; gây mất trật tự an toàn tại nơi làm việc. Những kiểu nhân viên này nên bị sa thải ngay để giữ lại môi trường làm việc thân thiện; không khí giảm bớt căng thẳng để mọi người an tâm sản xuất.
Vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân
Những vấn đề đến ảnh hưởng cần được quan tâm đặc biệt. Sức khỏe công nhân là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không giữ gìn được tài sản này thì sẽ có nhiều thiệt hại trong tương lai. Có nhiều vấn đề ảnh hưởng sức khỏe công nhân mà doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng.
Các doanh nghiệp thường yêu cầu người lao động nộp giấy khám sức khỏe (mà phần lớn là đi mua); tuy nhiên, cả quá trình lao động công nhân thường không được chủ doanh nghiệp cho khám sức khỏe định kỳ vì sợ tốn kém. Trong khi đó, với đồng lương công nhân eo hẹp; đời sống người lao động vốn đã thiếu thốn nên sức khỏe càng yếu đi.
Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM với hơn 1000 công nhân đầu năm 2018, có đến 29,6% số người bị suy dinh dưỡng. Trong đó, phổ biến nhất là thiếu vitamin B, 20% thiếu máu và 70% số lượng công nhân thiếu iot.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, công nhân phải làm việc nặng nhọc, thường xuyên tăng ca, làm đêm; nếu không có chế độ ăn uống đủ chất sẽ dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, bệnh tật, giảm sút sức lao động và chất lượng sống.
Các doanh nghiệp nên tạo điều kiện và tổ chức cho người lao động khám sức khỏe định kỳ, khám khi bị ốm đau, khi có biểu hiện mắc các bệnh nghề nghiệp; tổ chức tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh trong doanh nghiệp; xây dựng môi trường lao động thông thoáng, sạch sẽ…
Khi công nhân bị ốm đau, công ty, doanh nghiệp nên tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời. Điều này sẽ khiến công nhân cảm thấy được quan tâm; và làm việc có trách nhiệm với những sản phẩm mình làm ra.
Bên cạnh đó, người lao động tại các doanh nghiệp được đóng bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế, nâng cao tay nghề và hưởng đầy đủ các chế độ khác theo quy định của Nhà nước. Điều này giúp người lao động yên tâm làm việc và ngày thêm gắn bó với công ty; nâng cao năng suất, chất lượng lao động.
Xem thêm tài liệu dành riêng cho nhà tuyển dụng của Viecngay.vn tại đây.