Những quy định nhà tuyển dụng cần biết hợp đồng lao động thời vụ

Những quy định nhà tuyển dụng cần biết hợp đồng lao động thời vụ

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, lao động thời vụ là lực lượng vô cùng phổ biến; do đặc thù một số ngành nghề có công việc phải thực hiện theo mùa vụ. Vậy có những quy định nào về hợp đồng lao động thời vụ cho người lao động mà nhà tuyển dụng cần nắm được?

1. Hợp đồng lao động thời vụ là gì?

Theo pháp luật lao động, hợp đồng lao động thời vụ là sự thỏa thuận giữa người lao động và nhà tuyển dụng về việc làm có trả lương theo mùa vụ; hoặc công việc nhất định có tính chất không thường xuyên, có thời hạn dưới 12 tháng; điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

2. Điều kiện để ký kết hợp đồng lao động thời vụ

Để ký hợp đồng lao động thời vụ thì trước tiên nhà tuyển dụng phải xác định tính chất công việc cần tuyển; nếu bản chất của công việc là theo mùa vụ, và không có tính chất thường xuyên; thì sẽ ký kết hợp đồng lao động thời vụ với người lao động.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Bộ luật lao động 2012; những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, sẽ không được giao kết hợp đồng lao động thời vụ; hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Trừ những trường hợp sau:

  • Người lao động nghỉ ốm, bị tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác
  • Phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản

Trường hợp vi phạm, Người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 - 20.000.000 đồng tùy theo số lượng; Người lao động mà họ vi phạm theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP

3. Hình thức của hợp đồng thời vụ

Căn cứ Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Lao động 2012, đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng; nhà tuyển dụng có thể giao kết hợp đồng lao động với người lao động bằng lời nói.

Như vậy công việc theo mùa vụ có thời hạn dưới 3 tháng các bên có thể giao kết bằng lời nói. Còn đối với công việc có thời hạn 3 tháng thì việc giao kết bắt buộc lập thành văn bản.

4. Thời hạn của hợp đồng lao động thời vụ

Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 quy định; trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hợp đồng lao động thời vụ hết hạn doanh nghiệp phải ký hợp đồng mới; nếu không hợp đồng lao động thời vụ sẽ đương nhiên trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn; với thời hạn là 24 tháng.

Pháp luật chưa có quy định tối đa số lần ký mà doanh nghiệp được phép ký kết với người lao động. Tuy nhiên, phải đảm bảo tổng số thời gian của nhiều lần đó trong 1 năm không được vượt quá 12 tháng.

Bởi nếu tổng thời gian cho tất cả các lần ký hợp đồng cộng lại trong 1 năm mà vượt quá 12 tháng thì đó được xem là công việc có tính chất thường xuyên 12 tháng trở lên.

5. Chính sách Bảo hiểm xã hội đối với HĐLĐ thời vụ

Căn cứ Điểm a, b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ; hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến 12 tháng. Kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Như vậy kể từ ngày 1.1.2018, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời vụ từ đủ 1 tháng trở lên cũng phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

6. Ký kết hợp đồng lao động thời vụ không phải trải qua thời gian thử việc

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 BLLĐ 2012; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời vụ thì không phải thử việc.

7. Những ưu đãi người sử dụng lao động phải đảm bảo cho người lao động khi ký kết HĐLĐ theo mùa vụ

Theo quy định tại Luật BHXH 2014, BLLĐ 2012 thì khi ký kết hợp đồng lao động thời vụ; người lao động cũng được đảm bảo các quyền lợi:

- Được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, BHXH và được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đáp ứng các điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, chế độ thai sản, hưu trí, tai nạn lao động...

- Được bảo vệ quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật Lao động như không bị đuổi việc vô cớ, được trả lương đúng hạn…

8. Quy định về nội dung hợp đồng lao động thời vụ

Hợp đồng lao động thời vụ phải đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định theo pháp luật về lao động. Cụ thể, theo quy định tại Điều 23 BLLĐ 2012 và Điều 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì hợp đồng lao động thời vụ phải bao gồm những nội dung cơ bản sau:

- Tên và địa chỉ Người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.

  + Tên doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã; hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; trường hợp là cá nhân thuê mướn sử dụng lao động thì ghi họ và tên Người sử dụng lao động theo CMND hoặc hộ chiếu được cấp.

  + Địa chỉ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuê mướn; sử dụng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư; hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật;

  + Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND hoặc hộ chiếu, địa chỉ nơi cư trú; chức danh trong doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn; sử dụng lao động của người giao kết HĐLĐ bên phía Người sử dụng lao động theo quy định.

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số CMND hoặc giấy tờ hợp pháp khác của Người lao động.

  + Số CMND hoặc số hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của Người lao động.

  + Số giấy phép lao động, ngày tháng năm cấp, nơi cấp giấy phép lao động của cơ quan có thẩm quyền cấp đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

  + Văn bản đồng ý việc giao kết HĐLĐ của người đại diện theo pháp luật đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

  + Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số CMND hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi.

  + Văn bản của người dưới 15 tuổi đồng ý để người đại diện theo pháp luật của mình giao kết HĐLĐ.

- Công việc và địa điểm làm việc.

  + Công việc: Công việc mà người lao động phải thực hiện.

  + Địa điểm làm việc của Người lao động:

Phạm vi, địa điểm Người lao động làm công việc đã thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính Người lao động làm việc.

- Thời hạn của HĐLĐ.

Thời gian thực hiện HĐLĐ (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện HĐLĐ.

- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

  + Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định theo quy định.

  + Hình thức trả lương xác định theo quy định

(Bao gồm trả lương theo thời gian, sản phẩm, theo khoán; hình thức trả lương phải được duy trì trong một thời gian nhất định; nếu có thay đổi phải báo trước cho Người lao động ít nhất 10 ngày.

Tiền lương được trả bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng; nếu trả thông qua tài khoản ngân hàng thì giữa Người sử dụng lao động và Người lao động phải thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản)

  + Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định.

(Đối với Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì lương được trả sau giờ, ngày, tuần làm việc đó hoặc được trả gộp do 02 bên thỏa thuận nhưng ít nhất 15 ngày phải trả gộp 01 lần.

Người lao động hưởng lương tháng thì được trả lương tháng 01 lần hoặc nửa tháng 01 lần và phải trả ngay trong tháng làm việc.

Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán thì được trả lương theo thỏa thuận của 02 lên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.)

- Chế độ nâng bậc, nâng lương.

Điều kiện, thời gian, thời điểm, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương mà hai bên đã thỏa thuận.

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

 + Thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc; số ngày làm việc trong tuần; làm thêm giờ và các điều khoản liên quan khi làm thêm giờ.

 + Thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động

Ghi cụ thể số lượng, chủng loại, chất lượng và thời hạn sử dụng của từng loại trang bị bảo hộ lao động theo quy định của Người sử dụng lao động.

- BHXH, BHYT

   + Tỷ lệ % tính trên tiền lương tháng đóng BHXH, BHTN, BHYT thuộc trách nhiệm của Người sử dụng lao động và của Người lao động theo quy định pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.

   + Phương thức đóng, thời gian đóng BHXH, BHTN, BHYT của Người sử dụng lao động và của Người lao động.

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Quyền, nghĩa vụ của Người sử dụng lao động và Người lao động trong việc đảm bảo thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

- Các nội dung khác liên quan đến thực hiện nội dung mà hai bên thỏa thuận.

9. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng

Trường hợp Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động  trước thời hạn thì thời hạn phải báo cho Người lao động ít nhất là 3 ngày làm việc. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 38 BLLĐ 2012.

10. Người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động thời vụ

Căn cứ nội dung tại Điều 37 BLLĐ 2012; Người lao động làm việc theo HĐLĐ thời vụ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải báo trước ho Người sử dụng lao động; khi nghỉ việc trước thời hạn trong HĐLĐ. Tùy từng trường hợp mà Người lao động phải báo trước thời hạn quy định cho Người sử dụng lao động:

- Ít nhất 3 ngày làm việc với trường hợp: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; bị ốm đau, tai nạn đã điều trị ¼ thời hạn hợp đồng mà khả năng lao động chưa được hồi phục;

- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với các trường hợp:

Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ; được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

- Đối với trường hợp lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh; chữa bệnh có thẩm quyền thì thời hạn phải báo trước cho Người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Trường hợp Người lao động theo HĐLĐ thời vụ đơn phương chấm dứt HĐLĐ; thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ 2012 và Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

10 lưu ý trên hy vọng giúp các nhà tuyển dụng hiểu được các quyền và nghĩa vụ của mình trong việc ký kết hợp đồng với người lao động. Qua đó, giúp người sử dụng lao động đảm bảo đủ quyền lợi cho người lao động; đồng thời, có cơ sở pháp lý yêu cầu người lao động thực hiện đúng và đủ các trách nhiệm.

Xem thêm tài liệu dành riêng cho nhà tuyển dụng của Viecngay.vn tại đây.