Kinh nghiệm tuyển sinh viên làm thêm

Kinh nghiệm tuyển sinh viên làm thêm

Là chủ cửa hàng, bạn có bao giờ tuyển dụng sinh viên làm thêm? Sinh viên là đối tượng có nhu cầu đi làm thêm lớn nhất hiện nay. Lý do chính bởi muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình; và trải nghiệm môi trường làm việc khi còn ngồi ghế nhà trường. Tuy nhiên, vì vừa đi học vừa đi làm, nên sinh viên có rất nhiều mối quan tâm: đi học, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham gia câu lạc bộ, tụ tập đi bạn bè...

Chính vì thế, sinh viên cũng là đối tượng hay bỏ việc giữa chừng, bỏ việc đột ngột nhất. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa bạn không thể tìm được những sinh viên làm việc tốt, chăm chỉ, có trách nhiệm.

Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số kinh nghiệm giúp bạn tuyển dụng thành công sinh viên làm thêm!

Kiểm tra lịch học kĩ càng trước khi tuyển sinh viên

Lịch học của sinh viên chắc chắn là điều bạn cần cân nhắc thật kỹ khi đọc hồ sơ xin việc cũng như trong quá trình phỏng vấn. Vấn đề gần như duy nhất của sinh viên là họ quá bận với lịch học. Đối với những sinh viên mới vào đại học hay sinh viên năm cuối bạn cần hỏi kỹ liệu họ có thực sự muốn đi làm và gắn bó với công việc hay không?

Sinh viên năm nhất đa phần sẽ bị choáng ngợp bởi cách học quá khác so với trước đây; họ sẽ mất nhiều thời gian để làm quen hơn và có thể sẽ không hoàn thành tốt công việc. Sinh viên năm cuối thì lại bận bịu chuẩn bị tốt nghiệp. Đã từng có những nhân viên làm rất chăm chỉ, rất tốt nhưng đến năm cuối buộc phải xin nghỉ để tập trung hoàn thành chuyên đề tốt nghiệp

Khi phỏng vấn, bạn nên yêu cầu sinh viên đưa ra lịch học, lịch làm cố định nhất có thể. Dù cho học theo lớp tín chỉ, sinh viên vẫn sẽ có lịch học cố định trong từng giai đoạn. Hoặc nếu không, họ cũng nên đảm bảo với bạn số buổi đi làm trong một tuần. Một sinh viên làm chủ được thời gian của bản thân ngay từ đầu chắc chắn sẽ có khả năng gắn bó lâu dài; hơn một sinh biết luôn tỏ ra mơ hồ, không biết mình học lớp nào, giờ nào.

Kiểm tra kinh nghiệm trước đây

Tuyển dụng sinh viên, bạn không thể yêu cầu họ có quá nhiều kinh nghiệm; bạn thậm chí có thể tuyển một người chưa từng có kinh nghiệm gì và đào tạo. Tuy nhiên, điều bạn cần xem xét kỹ về kinh nghiệm là: Họ đã từng làm ở đâu? Trong thời gian bao lâu? Lý do nghỉ việc là gì?

Từ đó bạn có thể đánh giá được phần nào tính cách, phong cách làm việc; cũng như tính gắn bó của nhân viên. Điều này tùy thuộc vào cảm nhận của riêng bạn. Không hẳn một sinh viên làm nhiều chỗ khác nhau là người không gắn bó; cũng chưa chắc sinh viên bám trụ lâu tại nơi làm việc cũ đã là người bạn cần

Tuyển những sinh viên coi trọng việc học

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, bởi sinh viên càng dành nhiều thời gian cho việc học càng có ít thời gian cho công việc hơn. Trên thực tế, đây lại là những sinh viên bạn thực sự muốn thuê. Những người coi trọng việc học xác định được đâu là điều quan trọng nhất hiện tại trong cuộc sống của họ.

Vì vậy, quyết định đi làm của những sinh viên này chắc chắn không phải để cho vui, tùy hứng. Họ biết đi làm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học những vẫn quyết định ứng tuyển. Lý do có thể vì, những sinh viên này muốn kiếm tiền trang trải việc học; hoặc họ thực sự hứng thú và muốn trải nghiệm công việc của bạn. Những sinh viên nghiêm túc, coi trọng việc học biết rõ mục đích của mình là gì; và sẽ luôn làm hết sức với mỗi công việc mà họ lựa chọn.

Điều mà bạn không ngờ tới là, chính những nhân viên hay bỏ bê, xao nhãng trong công việc cũng làm tương tự như vậy với việc học của bạn. Một người sẵn sàng bỏ bê việc học thì cũng sẽ sẵn sàng bỏ bê công việc mà thôi!

Kết hợp với nhà trường

Nếu công việc bạn cần tuyển thực sự mang lại nhiều trải nghiệm tốt cho sinh viên; bạn hoàn toàn có thể kết hợp với nhà trường. Việc kết hợp này có thể dưới nhiều hình thức, có thể chỉ đơn giản là xin phép nhà trường dán tờ rơi ở bảng thông báo; hay phát triển thành cả chiến dịch tuyển dụng lớn cho sinh viên. Hãy mạnh dạn trao đổi với nhà trường, về những điều bạn đảm bảo sẽ mang lại cho sinh viên và những vấn đề bạn cần nhà trường hỗ trợ. Nếu thỏa thuận của bạn thực sự tốt, bạn sẽ bất ngờ với sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ phía ban giám hiệu cũng như các thầy cô đó!

Rất nhiều nhà tuyển dụng đã thành công nhờ vào cách này; bởi công việc mà họ mang lại có sự đảm bảo đáng tin cậy từ nhà trường. Nhờ đó họ tìm được những nhân viên thực sự tốt!

Hãy linh động khi tuyển nhân viên là sinh viên

Khi bạn chọn lựa làm việc với nhân viên, bạn nên biết rằng họ rất khác với những nhân viên có thể làm toàn thời gian; rằng việc học tập của họ vẫn là việc được ưu tiên hàng đầu. Hiểu được nhân viên của mình sẽ khiến cả bạn và họ đều vui vẻ.

Đành rằng, một khi đã quyết định đi làm, không cần biết ngoài giờ làm bạn bận những việc gì; bạn vẫn phải hoàn thành tốt công việc. Nhưng hãy trở thành một người chủ tâm lý. Khi quán không có khách, bạn có thể cho nhân viên của mình ngồi học. Khi biết họ có sắp có bài kiểm tra quan trọng, giảm ca làm trong tuần là điều bạn nên làm.

Chính sự thấu hiểu, tâm lý của bạn sẽ khiến cho nhân viên muốn dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Chắc chắn, khả năng gắn bó lâu dài cũng sẽ gia tăng.

Làm việc với sinh viên chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm thú vị! Hy vọng rằng sau bài viết này, bạn sẽ thành công trong việc tuyển dụng sinh viên làm thêm!

Xem thêm tài liệu dành riêng cho nhà tuyển dụng của Viecngay.vn tại đây.